Slider 1
Slider 1
[HỘ NIỆM]: Thói Quen Giúp Chúng Ta Lúc Lâm Chung Vãng Sanh Thuận Lợi.
[HỘ NIỆM]: Thói Quen Giúp Chúng Ta Lúc Lâm Chung Vãng Sanh Thuận Lợi.
[HỘ NIỆM]: Thói Quen Giúp Chúng Ta Lúc Lâm Chung Vãng Sanh Thuận Lợi.

Dưới đây là một câu chuyện thật, giúp mọi người ảnh hưởng của thói quen đối việc vãng sanh. Tôi từng gặp một bệnh nhân là một phụ nữ trên năm mươi tuổi, cái khối u của bà đã xâm phạm tới não, cho nên một tay và một chân của bà cử động rất khó khăn. Bà thường không nói ra được ý tứ mà bà muốn nói, lòng muốn nói “một đường” mà miệng không chịu nghe theo, lại nói “một nẻo”, rất khổ sở.Một hôm khi tôi đến thăm, vừa bước vô phòng, tôi liền chắp tay hướng về bà mà nói “A Di Đà Phật”, bà liền dùng “cánh tay cử động được” để chắp tay lại. Miệng bà cũng hình như muốn nói “A Di Đà Phật”, nhưng không nói ra được, lại nói một tràng tiếng Nhật “dorazo” “tomatochite atsugu ”. bà cũng biết rằng bà nói không đúng nên muốn bật khóc, rất thương tâm rất ảo não. Tôi liền hiểu bà muốn niệm “A Di Đà Phật” cho đúng cũng không phải là đơn giản. Bấy giờ tôi an ủi bà: 

“Tâm bà muốn niệm A Di Đà Phật thì nhất định Đức Phật A Di Đà phải biết. Niệm Phật thì quan trọng nhất là tâm niệm. Tâm của bà chân chính nghĩ đến Phật là tốt rồi!” bà nghe xong liền rơi nước mắt, tuy tôi an ủi bà như thế, nhưng ở vào trường hợp của bà mà hiểu thì cái tâm tình niệm Phật mà niệm không được, nhất định là rất khổ. Tôi cũng cảm thấy đau lòng. Bấy giờ bỗng có tiếng trên máy khuếch âm gọi tôi về phòng trực, có người muốn gặp. 

Tôi chạy xuống xem, thì ra có ba vị sư phụ muốn tìm tôi. Trông thấy các vị , tôi vui mừng kính lễ, có điều bây giờ nghĩ lại tôi rất hổ thẹn, vì bấy giờ tôi hoàn toàn không hỏi xem các vị có điều gì mà đến tìm tôi, chỉ vội vàng mời các vị đến thăm người bệnh ấy, đến giúp bà niệm Phật. Ba vị sư phụ rất từ bi liền theo tôi đến phòng bệnh thăm bà. Khi chư vị vừa bước vào phòng bệnh, người bệnh vừa nhìn thấy, bỗng nhiên chắp tay niệm “A Di Đà Phật”, niệm rất rõ ràng! Thì ra người bệnh này trước đây rất thích đến chùa. Bà thấy các sư phụ đều có thói quen niệm “A Di Đà Phật”. Kết quả là khi lâm chung bà muốn niệm Phật mà niệm không đúng, niệm không ra lời, nhưng khi mới thấy các sư phụ, thói quen tốt liền thể hiện, bà có thể niệm “A Di Đà Phật” một cách chính xác. Nói ra cũng lạ kỳ, từ khi bà đúng một câu thì bà có thể tiếp tục niệm đúng. Tôi thấy thế liền rất vui mừng. Chính bà cũng rất vui mừng, vui mừng đến chảy cả nước mắt, cứ liên tục cảm tạ Đức Phật A Di Đà. 

Sau khi ba vị sư phụ viếng thăm, an ủi, khích lệ bà một hồi, chư vị bảo muốn trở về. Vì hôm ấy có rất nhiều bệnh nhân gọi tôi, cho đến hôm nay tôi cũng không biết ba vị sư phụ ấy đến y viện tìm tôi để làm gì? Có thể Đức Phật biết được tâm thức và thói quen của người bệnh ấy mà đặc biệt hóa ra ba vị sư phụ đến giúp bà ấy chăng? Thói quen mỗi lúc gặp các vị sư phụ, gặp người ta thì chắp tay niệm Phật như thế là những thói quen rất tốt, là những thói quen rất tốt giúp chúng ta nâng cao chính âm, giúp chúng ta vãng sanh. Chúng ta hằng ngày phải vun bồi chớ để nó bị gián đoạn. 

Kẻ phàm phu chúng ta thường quên sự dạy dỗ của Đức Phật, mà lại rất trân quí kiến giải của mình, thói quen lối suy nghĩ, cá tính, tính tình của mình, đồng thời rất coi trọng sự phê bình của người thân, bạn bè khi ăn no rỗi việc. Chúng ta xem các thứ vô ích là những vật quí mà không chịu buông bỏ, nếu phải buông bỏ thì ra vẻ như không buông bỏ được. Nếu một mai chính mình nghĩ đi, nghĩ lại mà muốn sửa đổi, bỏ đi thì lại nghĩ: đâu phải chỉ một lúc mà bỏ hết được, phải bỏ “dần dần”, bỏ “chầm chậm”. 

Chư tổ sư đã nói với chúng ta rằng việc này “không có kỳ hạn”! thực ra những kiến giải, cá tính, tính tình ấy của chúng ta bất quá cũng chỉ giống như việc đại, tiểu tiện trong bụng của chúng ta, chẳng có gì ích lợi, chẳng có gì giá trị, nếu không tống đi, lại để lâu chỉ càng thêm khổ, thêm bệnh mà thôi. Các vị nghĩ xem, đi tiêu đi tiểu chẳng lẽ không phải là thực hiện cùng lúc, chẳng lẽ cần phải thực hiện dần dần, chậm chậm, một lần thực hiện một chút, để lâu mới thực hiện xong hay sao? Chúng ta muốn thay đổi thói quen, thay đổi tập khí, không lẽ lại chia ra từng ngăn mà sửa đổi dần dần, mỗi lần bỏ đi một chút, giữ lại một chút, cứ chầm chậm mà bỏ đi, dần dần mà bỏ đi hay sao? Nếu chúng ta nghe lời Phật dạy mà bỏ đi những những thứ không tốt trong bụng chúng ta, thì chúng ta có thể đạt được thanh tịnh, nhẹ nhàng, an vui. 

Nếu chúng ta kiên trì cho rằng “những thứ đại tiểu tiện là của mình, là mình sở hữu, là mình tạo ra” thì chúng ta lại muốn giữ lấy không bỏ đi được theo lời Phật dạy thì thực ra, không muốn bỏ đi cũng không thể giữ lâu được. Cứ giữ chúng cho đến ngày chết thì không những sẽ phải buông bỏ các thứ đại tiểu tiện vô dụng ấy, mà còn phải buông bỏ cả thân thể quí báu của chúng ta nữa. Cho nên, hiện tại buông bỏ thì hiện tại được nhẹ nhàng. Nếu quí vị định vài năm sau mới buông bỏ thì đấy là chuyện của quí vị. Quí vị mang chúng lâu năm thì không có cách gì hưởng thụ được sự nhẹ nhàng trong tâm. Nếu quí vị muốn chờ cho đến hết đời mới buông bỏ dần, thì đó là chuyện của quí vị, quí vị phải lao khổ đến mấy đời. 

Giả như có người từng đối đãi không phải với chúng ta, có thể chúng ta nhìn người ấy bằng cặp mắt không thuận, hễ nghĩ tới người ấy là bực mình, thậm chí trông thấy người ấy thì nổi nóng, rất muốn mở miệng chửi mắng; như thế là gạt Đức Phật A Di Đà ra một bên, mà bắt đầu cúng dường “thần nóng giận”, thế giới Tây Phương Cực Lạc gì cũng quên sạch! Vì sao tâm của chính chúng ta, chúng ta không quản được, mà lại thả nó vào sự nóng giận? Lại khiến nó thành thói quen, không lẽ chúng ta làm nô lệ cho sự nóng giận, chứ không phải làm chủ nó? Nếu chúng ta thường nuôi dưỡng cái thói quen như thế, thì đến lúc lâm chung thật là nguy hiểm. Vì sao? Vì sau khi thói quen được nuôi dưỡng hình thành, nó có sức mạnh rất lớn dẫn dắt chúng ta. 

Thử nghĩ, chúng ta dùng một tay nào đó để bưng chén, một tay nào đó để cầm đũa, một tay nào đó để viết chữ, thậm chí buổi tối ngủ trên một giường nào đó, đầu quay về một phía nào đó, tất cả đều là “thói quen”. Mỗi ngày chúng ta đều bị thói quen chi phối, gặp phải tình huống, tự nhiên chúng ta cứ theo thói quen mà làm. Chúng ta không hề nghĩ rằng, thói quen và tập khí tự động lộ ra mà khống chế chúng ta trước. Đối xử với người khác, chúng ta vẫn thường bị thói quen, tập khí chi phối. Có nhiều người khi chúng ta gặp mặt thì chúng ta rất lễ phép, ôn hòa; điều này cũng sẽ biến thành thói quen. Có nhiều người, mới thấy mặt chúng ta đã hiềm này, hiềm nọ, ghét đó, ghét kia, hình như cái gì của họ cũng không hợp với ý mình; thái độ này cũng sẽ biến thành thói quen. Có khá nhiều bậc cha mẹ cũng có thói quen như thế, đối với con cái, mới thấy con đã ghét từ đầu đến đuôi. Có khá nhiều vợ chồng, bạn bè cũng đều có thói quen như thế. Loại thói quen này đương nhiên đối với đối phương không vui, nhưng người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại là chính mình. Không những mình tạo chướng ngại cho đời mà còn tạo chướng ngại cho sự vãng sanh. 

Tôi từng gặp một bệnh nhân, bà đã dạy cho tôi một bài học, không những là bài về giới luật, mà còn là bài dạy về “thói quen ảnh hưởng đến sự vãng sanh của chúng ta”. Đó là một phụ nữ chừng năm, sáu mươi tuổi, thường hay chú trọng đến việc trang điểm, y phục; thậm chí ngay cả việc đi trị liệu bằng phóng xạ, từ lầu ba của y viện xuống tầng trệt, bà cũng nhất định phải trang điểm, tô son, cầm kính soi, đến khi vừa ý mới xuống lầu, khối u của bà đã lan tới xương. Một tay đã bị gãy xương thế mà bà vẫn dùng tay kia để đánh phấn, cầm gương soi. Dung mạo đoan trang, y phục chỉnh tề, sạch sẽ của bà, khiến người ta nhìn thấy đều có cảm giác thích thú. Nhưng cái thói quen chấp trước mạnh mẽ ấy có ảnh hưởng gì trong lúc lâm chung? 

Bấy giờ tôi khuyên bà niệm Phật, bà rất cung kính, vui vẻ niệm Phật, lại biết rằng bệnh của bà rất nặng, lúc nào cũng có thể nguy hiểm đến tánh mạng, nên bà phát nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc ở Tây Phương, nhờ tôi trợ niệm cho bà. Vì y viện của chúng tôi không có chỗ để trợ niệm, nên phải chuyển bà đến “Y viện Bồ Đề” của Phật giáo để khi bà lâm chung thì tiện cho việc trợ niệm. Sau khi hết giờ làm việc, tôi đến y viện Bồ Đề phụ bà niệm Phật. Một hôm bà nửa tỉnh, nửa mê, tôi đứng bên cạnh để niệm Phật, bà chợt tỉnh lại, cất tiếng niệm. Bỗng nhiên bà nói: “Phải đến Tây Phương, mau mau mà đến, không đến không được”. Sau đó bà niệm A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Bỗng nhiên bà lại niệm thành “A Di Đà Phấn!”. Động tác trang điểm đánh phấn thường ngày của bà lại biểu hiện ra. Tôi nhắc nhở bà: “chúng ta muốn tới Tây Phương cần gì phải đánh phấn, đến Tây Phương mọi người đều giống như Đức Phật, sắc vàng trang nghiêm, phóng hào quang, so với đánh phấn còn đẹp hơn nhiều. Hãy mau niệm A Di Đà Phật!”. 

Bà nghe xong liền niệm A Di Đà Phật, nhưng được một lúc lại niệm thành “A Di Đà Hoa”. Bà còn nói: “Hoa là hoa trong từ cài hoa!”, đồng thời bà còn làm động tác đưa tay “cài hoa lên tóc”. Tôi lại nhắc nhở bà, bà lại niệm Phật. Nhưng bỗng nhiên bà nói: “Ồ! Tôi không mang giày”. Tôi nói với bà: “Tây Phương lấy vàng ròng làm đất, rất sạch sẽ không cần phải mang giày”. Bà lại niệm Phật. 

Những thể hiện của người bệnh này khiến tôi hiểu rằng, trong “Bát quan trai giới” Đức Phật có dạy một điều, “không dùng hương hoa cài tóc, không trang nghiêm thân mình”, ý nói không dùng nước hoa hoặc các thứ mĩ phẩm và các thứ châu báu v. v … để trang sức thân thể. Phật dạy chúng ta hãy tập không theo đuổi trang sức hư giả bề ngoài, mà phải lấy cái đức tốt trong nội tâm để trang nghiêm. Sư chấp trước “tự ngã” của chúng ta đã quá nặng nề, chúng ta tu hành để giảm nhẹ, vứt bỏ nó đi mà chưa được, thì nay chớ làm cho nó mạnh thêm! 

Nếu một người có thói quen trang sức, cả một đời nuôi dưỡng thói quen ấy, khi lâm chung nó sẽ xuất hiện ra, niệm Phật cũng niệm sai, vì thói quen sinh ra sức mạnh! Các vị xem bình thường chúng ta mặc áo mang giày như thế nào, đánh răng như thế nào, đấy là sức mạnh của thói quen, không cần phải nghĩ, nó tự nhiên hiện ra. Cho nên giới luật do Đức Phật chế ra, chính là để giúp chúng ta lúc bình thường vứt bỏ thói quen không cần thiết, vứt bỏ sự cầu tìm sai lầm, để đến lúc lâm chung khỏi sinh chướng ngại. Chứ nếu cứ như thế thì cái tâm một mặt nghĩ đến Phật, lại một mặt nghĩ đến đánh phấn cài hoa. Nói một cách nghiêm túc, vấn đề không chỉ là niệm sai “Phật hiệu”, mà là cái “nguyện” của nội tâm có vấn đề, “nguyện” không đủ chân thiết. Rốt lại, bạn có mong muốn sinh Cực Lạc không? Hay là muốn luân hồi để trang sức đánh phấn? 

Người chân chính ước nguyện vãng sanh tự nhiên sẽ vứt bỏ cái thói quen không dính dáng gì ấy, tự nhiên không thích cầu tìm nó. Người nguyện sinh Cực Lạc chỉ muốn dùng thứ trang sức “hiệu A Di Đà Phật” để làm đẹp nội tâm, khiến tâm hoan hỉ, chân thành, không bị “mê lầm mà đánh mất Đức Phật”, để có thể khai phát Phật tính. Đây mới là “Max Factor”.


Nam Mô A Di Đà Phật!
(Trích từ quyển "Liên hoa hoá sanh". Tác giả: Bác sĩ Quách Huệ Trân - Pháp sư Đạo Chứng)